Hơn 10 năm trước, đường vành đai 3 đoạn từ quận 9, TP.Hồ Chí Minh nối sang huyện
Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai(cầu đường quận 9) đã được chuẩn bị xây dựng. Tuyến đường
này là ước mơ của rất nhiều người, đặc biệt là các nhà đầu tư tại các khu công
nghiệp ở huyện Nhơn Trạch, vì khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách giữa TP.Hồ
Chí Minh và Nhơn Trạch rất nhiều.
Sau hơn 10 năm trễ hẹn do không tìm được nguồn vốn đầu tư, đến nay dự án được
khởi động trở lại. Đang trong giai đoạn chuẩn bị, lần này dự án xây dựng tuyến
đường xem ra khả thi hơn.
* Vay vốn từ Hàn Quốc
Theo đánh giá của Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao
thông Cửu Long (gọi tắt là Tổng công ty Cửu Long, đơn vị được Bộ Giao thông - vận
tải giao cho quản lý đầu tư dự án này), hiện nay dự án cầu đường quận 9 đã
“chín muồi”. Ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cửu Long, chia sẻ:
“Từ cuối năm 2002, dự án cầu đường quận 9 - Nhơn Trạch đã được thành lập. Đây
là dự án có vốn đầu tư rất lớn nhưng đánh giá khả năng thu hồi vốn cũng rất cao
nhưng không triển khai được do không thu xếp được vốn”. Ông Minh cho rằng, hiện
khả năng thực hiện dự án này đạt đến 99%. Sở dĩ ông Minh khẳng định chắc chắn
như vậy do dự án đã được Chính phủ Hàn Quốc sắp xếp cho vay ưu đãi vốn. Không
chỉ vậy, các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng tham gia vào dự án.
Đường vành đai 3 đoạn Nhơn Trạch - TP.Hồ Chí Minh có chiều dài khoảng 34km,
giai đoạn 1 (cầu đường quận 9 - Nhơn Trạch) sẽ xây dựng từ ngã tư quận Thủ Đức
(TP.Hồ Chí Minh) vượt sông Đồng Nai, nối với đường 25B tại trung tâm huyện
Nhơn Trạch có chiều dài hơn 17km. Hạng mục này được chia làm 2 đoạn 1A và 1B.
Đoạn 1A nối từ đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây vượt qua
sông Đồng Nai nối vào đường 25B; đoạn 1B nối từ nút giao đường cao tốc TP.Hồ
Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây ra nút giao ngã tư Thủ Đức.
Dự kiến, đoạn 1A được đầu tư theo hình thức vay vốn ưu đãi ODA của Chính phủ
Hàn Quốc là 200 triệu USD. Theo đánh giá của Tổng công ty Cửu Long, vấn đề gây
tốn kém nhất của đoạn đường này là xây dựng cầu vượt sông Đồng Nai, tổng chiều
dài cả đường dẫn 2 bên và cầu lên tới 2km với số vốn đầu tư khoảng 160 triệu
USD. Đoạn này dự kiến sẽ khởi công vào tháng 11-2016. Riêng đoạn 1B, do các nhà
đầu tư Hàn Quốc đầu tư theo hình thức BOT. Toàn bộ do nhà đầu tư Hàn Quốc thực
hiện từ giải phóng mặt bằng đến xây lắp và quản lý khai thác.
* Vẫn băn khoăn mặt bằng
Theo lãnh đạo Tổng công ty Cửu Long, đoạn 1A thuộc địa phận TP.Hồ Chí Minh
chỉ gần 2km, thành phố đã có văn bản cam kết sẽ giải phóng mặt bằng và giao đất
cho nhà đầu tư. Tuy nhiên do mật độ dân cư đông và liên quan đến nhiều vấn đề
xã hội khác nên Cửu Long khá lo lắng về tiến độ. “Liên quan đến vốn ODA yêu cầu
mặt bằng phải sạch khi khởi công dự án. Ở Đồng Nai mật độ dân cư dự án đi qua
không cao nên bớt lo ngại, trong khi mặt bằng đoạn qua TP.Hồ Chí Minh tuy ngắn
nhưng khá phức tạp. Liên quan đến vốn ODA yêu cầu khi khởi công phải là đất sạch”
- ông Minh nói.
Về tiến độ, dự kiến cắm cọc giải phóng mặt bằng vào đầu tháng 12 tới và đến
tháng 10 sang năm sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng để khởi công dự án. Ông Võ
Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, cho biết huyện đã khảo sát tuyến
đường này. Tổng số đất phải thu hồi trên địa bàn huyện ước khoảng 783 ngàn m2,
qua địa bàn 2 xã Phú Thạnh (427 ngàn m2) và Long Tân (khoảng 356 ngàn m2). Tổng
số hộ dân bị thu hồi đất khoảng 372 hộ, trong đó Phú Thạnh 287 hộ, Long Tân 85
hộ. Dự kiến các hộ này sẽ được bố trí tái định cư ở khu vực 25 hécta nằm cạnh
đường này ở xã Phú Thạnh.
Theo của ông Nguyễn Hồng Quế, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở
Tài nguyên - môi trường), dự án này thuận lợi là đã nằm trong quy hoạch và kế
hoạch sử dụng đất của tỉnh. Từ kinh nghiệm thu hồi đất cho dự án đường cao tốc
Bến Lức - Long Thành, áp dụng vào dự án này sẽ đảm bảo được tiến độ.
(Vân Nam)